Gần 7 giờ,úhíchtừlầnchạythửGrabmẹđơnthânđổiđờikhiếncontraitựhàmacca chị Nguyễn Thị Thu Hà (46 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) chiên cơm, múc ít canh măng vào túi nilon. Đây là bữa trưa của nữ tài xế xe công nghệ. Những chuyến xe nối tiếp nhau nên chị thường xuyên ăn vội ngoài đường. Ngày ngày, chị miệt mài chạy xe từ sáng đến tối. Bởi, trên vai bà mẹ đơn thân là tiền ăn, học phí… của cậu con trai út đang học lớp 11. Vì hoàn cảnh chị phải gửi con cho ông bà ở quê.
Vất vả là thế nhưng trò chuyện với PV Thanh Niên, người phụ nữ luôn nở nụ cười thật tươi, tự hào kể về nghề tài xế công nghệ.
Những tâm sự của chị Hà về thay đổi trong cuộc sống từ khi chạy Grab.
Niềm vui vỡ òa
Mỗi ngày của chị Hà bắt đầu từ khoảng 7 giờ, vì đây là khung giờ vàng “nổ” nhiều cuốc xe. Chị đặt mục tiêu số cuốc xe phải chạy mỗi ngày để nhận thêm mức thưởng từ ứng dụng.
Trước đây, chị Hà làm công nhân giày da. Năm 2018, những ngày cuối tuần, chị lấy xe đăng ký chạy Grab kiếm thêm thu nhập, không ngờ “ghiền” luôn cho đến bây giờ. Thời điểm đó, chị luôn bỏ sẵn đồng phục Grab trong cốp xe, cứ 17 giờ, sau khi tan ca, chị lại mở ứng dụng, chạy xe cho đến 22 – 23 giờ. Tuy chỉ làm thêm, nhưng mỗi ngày chị lại nhận được khoảng 300.000 đồng (chưa tính tiền tip). Số tiền này còn cao hơn tiền công mỗi ngày miệt mài ngồi trong công xưởng của chị.
“Chạy cả ngày chủ nhật có khi được 800.000 – 900.000 đồng, tôi mừng dữ lắm. Tôi không biết nói sao, niềm vui cứ vỡ òa. Thời gian đầu, tôi không nhanh bằng cánh mày râu, không bấm kịp để nhận đơn và không biết cách lọc vị trí đơn hàng. Sau một thời gian, độ nhạy lên tay, tôi bấm nhận đơn nhiều hơn, tốc độ tự nhận là trung bình khá”, chị chia sẻ.
“Sau một thời gian, độ nhạy lên tay, tôi bấm nhận đơn nhiều hơn, tốc độ tự nhận là trung bình khá…”
Sau khoảng 2 - 3 tháng thử tay nghề chạy Grab, chị Hà quyết định nghỉ làm công ty giày da. Chuyển sang làm tài xế công nghệ, cứ hễ “nổ đơn” là chị vội vàng nhận ngay. Vì thế mà có nhiều khi, người mẹ thậm chí còn quên cả mang găng tay, trùm khăn che nắng.
Chị chia sẻ, đi làm công nhân nếu không tăng ca thu nhập chỉ được 6 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống. Còn với nghề tài xế công nghệ, nếu chăm chỉ chạy mỗi ngày, mức thu nhập cao hơn gấp 2 - 3 lần.
“Hồi trước làm công nhân, nếu không tăng ca thì không có thêm tiền, tôi phải đi vay mượn. Có lúc chở con đi học về, con đòi ăn cây xúc xích nhưng không có tiền nên đành chịu. Ra chạy xe công nghệ mấy tháng đầu có thể xoay xở được chi phí sinh hoạt trong nhà. Thậm chí còn trả được những khoản nợ nhỏ trước đó”, người phụ nữ nói.
“Ra chạy Grab mấy tháng đầu có thể xoay xở được chi phí sinh hoạt trong nhà. Thậm chí còn trả được những khoản nợ nhỏ trước đó…”
“Chưa bao giờ thấy mệt mỏi, chán nản”
Chị Hà có 2 con trai. Chị và chồng ly thân khi con trai thứ hai được 3 tuổi. Hiện con trai lớn đã 18 tuổi, có thể tự lập. Còn cậu con út chị gửi nhờ ba mẹ chồng chăm sóc. Không được ở gần con, người mẹ cố nén nỗi nhớ để kiếm tiền gửi về nuôi con, mong con có tương lai tươi đẹp.
“Tháng nào tôi chạy được nhiều sẽ gửi về khoảng 4 triệu đồng. Nhờ có mẹ chồng chăm con giúp, tôi có thời gian tập trung chạy xe. Con ở với ông bà có chút thiếu thốn tình cảm của ba mẹ nên tôi thường xuyên gọi điện về động viên. Vì cuộc sống, tôi không ở cạnh bên con nhưng cứ nghĩ sẽ cố gắng kiếm tiền để một ngày con lên thành phố sống với tôi”, chị bộc bạch.
Nữ tài xế tâm sự, 5 năm gắn bó với nghề chưa bao giờ bị khách phàn nàn hay “bom hàng”. Thu nhập đều đặn mỗi ngày, chị chưa bao giờ thấy mệt mỏi, chán nản và luôn giữ động lực để bản thân cố gắng. Theo chị, để gắn bó với công việc này, tài xế phải chịu khó, biết cách sử dụng ứng dụng, xem bản đồ và giao tiếp khéo léo với khách hàng.
“Tôi nhớ có lần đi qua đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) mưa ngập, xe bị chết máy khiến tôi phải đẩy bộ một đoạn đường dài. Nhưng sau khi sửa xe xong, tôi vẫn tiếp tục nhận đơn chứ chưa chịu về nghỉ. Miệt mài ngoài đường thành quen, nắng mưa thất thường là chuyện nhỏ. Giờ kiếm được tiền sẽ ráng hết sức”, chị chia sẻ.
Con trai chị Hà - em Hoàng Đạt (16 tuổi) hiện đang ở cùng ông bà nội ở Đồng Tháp chia sẻ: "Em rất thương mẹ. Em thấy mẹ làm việc rất vất vả từ sáng sớm đến 10 giờ tối mới về nhà. Lúc nhỏ thì em muốn mẹ ở cạnh mình nhưng giờ em hiểu mẹ phải lên thành phố làm để kiếm tiền lo cho em ăn học. Nhớ mẹ, thương mẹ em chỉ biết cố gắng học hành, nghe lời ông bà nội để mẹ an tâm. Em rất tự hào về nghề nghiệp của mẹ. Nhờ vậy mà mẹ mới có tiền lo cho em ăn học nhiều năm qua".
Chị Nguyễn Thị Kim (49 tuổi) người ở cùng nhà trọ với chị Hà cho biết, bạn cùng phòng dậy rất sớm và chăm chỉ chạy xe. Dù vất vả nhưng chị luôn yêu nghề, yêu đời.
“Tôi và Hà là đồng nghiệp cũ ở công ty giày da. Dù là phụ nữ nhưng Hà chạy xe rất giỏi, thành thạo đường đi. Với Hà, nắng mưa không thành vấn đề vì phải kiếm tiền gửi về nuôi con. Tôi thấy ít khi Hà nghỉ làm, cứ miệt mài với những cuốc xe mỗi ngày”, chị Kim chia sẻ.
Tháng 10 - tháng của yêu thương trân quý những nỗ lực vươn lên của phụ nữ Việt Nam, chị Hà cho biết chị không có dự định đặc biệt gì cho bản thân. Trong thâm tâm nữ tài xế mong các chị em phụ nữ luôn luôn mạnh khỏe, yêu đời. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng chị mong mọi người luôn vui vẻ đón nhận để mỗi ngày trôi qua là một trải nghiệm thú vị.